Nhận định Trần_Minh_Tông

Đánh giá về Trần Minh Tông, sử thần đời Lê sơ Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt Sử ký Toàn thư:[9]

Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày. Tiếc rằng không nhận biết mưu gian của Khắc Chung, để đến nỗi Quốc Chẩn phải chết, đó là chỗ kém thông minh vậy.

— Đại Việt Sử ký Toàn thư

Phan Phu Tiên, một sử thần khác thời Lê sơ, cũng bình luận:[60]

Minh Tông có tư chất nhân hậu, nối nghiệp thái bình, không thay đổi phép tắc của ông cha đã định. Khi bấy giờ có người học trò dâng sớ nói rằng: "Dân gian nhiều kẻ du thủ du thực, đến tuổi già vẫn không có tên trong sổ hộ, mà lại không đóng góp phú thuế và sưu dịch". Ngài bảo: "Nếu không như thế thì sao gọi là cảnh đời thái bình? Nhà ngươi lại muốn ta bắt chúng nó làm nên trò trống gì nữa!". Triều thần là Lê Bá QuátPhạm Sư Mạnh đều muốn thay đổi chế độ. Ngài nói: "Nước nhà đã có nền nếp sẵn rồi, nếu nghe mưu kế muốn cho lời mình được đắt của bạch diện thư sinh kia thì sẽ sinh rối ren đấy!". Có điều đáng tiếc là ngài nghe lời gian nịnh của Trần Khắc Chung mà giết Quốc Chẩn: đó là một điều làm vấp cho trí thông minh của ngài.

— Phan Phu Tiên

Các sách Đại Việt Sử ký Toàn thư (kỷ Dụ Tông Hoàng đế) và Nam Ông mộng lục (thiên Đức tất hữu vị, tác giả: Hồ Nguyên Trừng, quan Đại Minh gốc Việt thế kỷ 15) có kể một việc tỏ rõ sự nhân hậu của vua Minh Tông. Theo đó, một thời gian sau khi Minh Tông lên ngôi hoàng đế, mẹ đích là Bảo Từ Hoàng hậu mới sinh được con trai. Đến ngày đầy tuổi tôi, Anh Tông bận đi tuần ngoài biên, Minh Tông xử lý mọi việc trong nhà. Khi một viên quan hỏi cách làm lễ, Minh Tông nói hãy làm theo nghi thức danh cho thái tử. Viên quan tỏ ra do dự vì "việc này ở các đời trước thường sinh ra lắm chuyện nguy hiểm", nhưng Minh Tông khẳng định: "Việc gì phải ngần ngại? Trước đây vì đích tự chưa sinh, nên ta mới tạm ở ngôi này; nay đích tự đã sinh rồi, chờ khi lớn lên, ta sẽ trao lại ngôi vua, có gì là khó!". Sau một cuộc tranh luận, mọi người đồng ý cử hành lễ theo nghi thức thái tử. Không lâu sau đó, người em này chết yểu, vua Minh Tông rất đau buồn. Chép xong chuyện này, Hồ Nguyên Trừng bình luận: "Sách Tả truyện nói: "Kẻ có đức thì thế nào cũng có địa vị", là để chỉ trường hợp như thế này chăng?".[71][72]

Sử gia Hoa Kỳ K. W. Taylor trong sách A History of the Vietnamese (2013) nhìn nhận Trần Minh Tông chịu ảnh hưởng từ thuyết "bất nhị" trong đạo Phật mà Trần Thái Tông – vị vua khai quốc triều Trần đã giảng giải trong các tác phẩm của mình.[73] K. W. Taylor cũng bình về Trần Minh Tông:[74]

Ông ấy [Trần Minh Tông] hiểu rằng cố gắng trừng phạt những người khốn cùng sẽ khiến họ nổi loạn. Ông cũng hiểu rằng chính quyền là một quy trình chứ không phải là một kế hoạch để giải quyết mọi thứ tới mức hoàn hảo. Các sử gia đời sau nhìn nhận ông là sáng suốt, thông minh, nhân văn, và đặc biệt bảo thủ trong việc chống cự bất cứ một thay đổi nào đối với những gì ông đã thừa hưởng từ tổ tiên. Ông cũng được một ý thức Phật giáo, và thậm chí Lão giáo, thúc đẩy nên không muốn làm một hành động không cần thiết nào vì sợ phản ứng không tránh khỏi và nằm ngoài mong muốn. Ông có gửi quân đánh những nhóm nổi dậy, nhưng ông không có hứng với những kế hoạch có tính hoạt động nhằm đưa những người bất hạnh vào khuôn phép...

Ông mường tượng rằng sự ổn định chính trị do các tổ tiên ông gầy dựng sẽ kéo dài. Ông không biết rằng thế giới của ông đang trên đà khủng hoảng và các sử gia đời sau coi thời trị vì của ông là giai đoạn rực rỡ cuối cùng của vương triều. Trong thời ông, bất chấp các mối lo được tích lũy dần, sức mạnh của nhà Trần vẫn là một nguồn tự tin và an tâm có giá trị đối với những người có giáo dục...

— K. W. Taylor